An Giang đang bắt đầu phát triển trồng các nhãn chất lượng hướng an toàn nhằm xuất khẩu. Đồng thời khôi phục giống nhãn quý Mỹ Đức tại địa phương để xây dựng thương hiệu nhãn An Giang.
Ông Ngô Trọng Tín, ở xã Long Điền, huyện Chợ Mới – An Giang, cho biết: Tôi có hơn 1ha trồng nhãn Ido đã được 8 năm tuổi và đang cho thu nhập rất ổn định, mỗi năm đem lại nguồn thu trên dưới 200 triệu đồng.
Thông thường nhãn chỉ trồng khoảng 1 năm, khi cây “phát lên” là bắt đầu ra bông cho trái, nhưng hầu hết các nhà vườn sẽ cắt bỏ đợt bông đầu tiên để cây có sức tiếp tục phát triển. Đến năm thứ 2 hoặc thứ 3 mới nuôi bông ra trái và thu hoạch.
Nhãn là loại cây dễ trồng, ít bị sâu bệnh nên không phải tốn nhiều phân, thuốc. Vào tháng 2, tháng 3 (âm lịch) hàng năm là thời điểm cây nhãn bắt đầu trổ bông, giai đoạn này chỉ cần phun vài đợt thuốc để cây đậu trái là xong.
Đến tháng 5 là nhãn đủ độ lớn để thu hoạch dần, khoảng đầu tháng 8 là cuối vụ. Sau mỗi vụ, tôi sửa cây, tưới nước rồi bón phân, phun thuốc dưỡng cho cây ra lá, sau đó ngưng nước cho đến mùa nắng năm sau bắt đầu tưới lại để cây trổ bông cho vụ mùa mới.
Nhãn có thể cho năng suất từ 7-10 tấn/ha/vụ (tùy theo từng giống nhãn). Trồng nhãn úng quy trình kỹ thuật thì nhàn hơn và có thể điều phối thời gian ra trái mùa nghịch sẽ bán giá cao hơn mùa thuận.
Trồng nhãn đã mang lại hiệu quả, năng suất cao hơn nhiều lần so với những loại cây khác như bắp, lúa…
Riêng giống nhãn xuồng cơm vàng trồng nhiều ở huyện Châu Phú năng suất thấp so với nhãn Ido hay nhãn tiêu da bò. Nhưng giống nhãn xuồng cơm vàng bán giá cao gấp 3-4 lần so với các giống nhãn khác.
Để thay đổi tập quán canh tác truyền thống, hướng đến sản xuất theo hướng ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định, UBND xã Khánh Hòa huyện Châu Phú đã thành lập THT nhãn xuồng Khánh Hòa, với 25 hộ dân canh tác nhãn trên địa bàn xã tham gia.
THT đã tập huấn cho nông dân kỹ thuật trồng nhãn, quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn sản phẩm VietGAP, nhằm hướng đến việc đăng ký mã số vùng trồng cho sản phẩm để phục vụ xuất khẩu.
Đặc biệt, để phát triển quy mô, nâng diện tích trồng nhãn tại xã Khánh Hòa, ngành nông nghiệp huyện Châu Phú từng bước triển khai xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nhãn xuồng ứng dụng công nghệ cao với quy mô gần 200ha.
Khi dự án hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi, phục vụ vùng sản xuất nhãn xuồng cơm vàng theo hướng tập trung và đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, mở ra hướng đi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm nhãn xuồng cơm vàng của bà con nông dân.
Bên cạnh đó huyện Châu Phú đã lập đề án nhằm khôi phục giống nhãn quý tại địa phương có tên là “nhãn Mỹ Đức” để xây dựng thương hiệu giống nhãn của An Giang và truy xuất nguồn gốc vùng trồng để cạnh tranh mang đi xuất khẩu ở nhiều thị trường, trong đó Trung Quốc là thị trường tiềm năng.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV An Giang cho biết: Trước tình trạng giống nhãn đặc sản có nguy cơ mai một, để duy trì, bảo vệ và phát triển nguồn gen quý của giống nhãn Mỹ Đức, sau khi đánh giá và tuyển chọn những cây đầu dòng có năng suất cao, ổn định, chất lượng quả ăn ngon và sạch bệnh.
Bằng cách phối hợp với Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, chọn tạo ra từ hai cây nhãn Mỹ Đức đầu dòng, bước đầu đã tạo ra được 120 cây nhãn có đặc tính nổi trội hơn các cây nhãn Mỹ Đức còn lại, tiến tới nhân giống vô tính hàng loạt và đánh giá chứng nhận truy xuất nguồn gốc nhãn Mỹ Đức.
Mô hình được thực hiện tại vùng sản xuất nhãn xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú, với diện tích 3ha. Hiện nay, ngành nông nghiệp huyện phối hợp tiến hành cấy ghép cành trên 2 cây nhãn đầu dòng với số lượng 2.000 cây được thực hiện tại nhà ông Trần Nghi Bình, ấp Mỹ Phó, xã Mỹ Đức.
Ông Trần Nghi Bình cho biết: Giống nhãn này có đặc tính rất dễ trồng, dễ ra hoa, đậu trái, trái cho cơm vàng ngon, cơm dày, vị ngọt thanh, trái to, vỏ dày có chất lượng tốt, màu sắc đặc trưng hơn nhãn xuồng cơm vàng, tỷ lệ thịt trái vượt trội so với nhãn trồng ở những vùng đất khác. Năng suất ổn định, cây 8-10 năm tuổi có năng suất trung bình 150-200kg/cây/năm.
Việc thực hiện mô hình này nhằm hình thành vùng quy hoạch nhãn Mỹ Đức trọng điểm tại xã Mỹ Đức của huyện Châu Phú; giúp nông dân ở xã sản xuất nhãn an toàn nắm được quy trình sản xuất theo VietGAP.
Sản lượng nhãn Mỹ Đức tại THT sản xuất an toàn tập trung được chứng nhận theo tiêu chuẩn an toàn và có tem truy xuất nguồn gốc.
Nhãn được trồng trên toàn huyện với diện tích gần 105ha, trong đó xã Khánh Hòa trồng với diện tích khoảng 77ha nhãn xuồng cơm vàng và Mỹ Đức khoảng 15ha nhãn Mỹ Đức.
Do số lượng cây nhãn Mỹ Đức hiện còn rất ít vì vậy trái của chúng được xem là đặc sản “hiếm”, nên dù có giá bán lẻ từ 100.000 - 120.000 đồng/kg vẫn hút khách.
LÊ HOÀNG VŨ/nongnghiep