Mặc dù ngành nông sản và thực phẩm chế biến là 1 trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của TP Hồ Chí Minh, đóng góp 14 - 15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của Thành phố mỗi năm, tuy nhiên việc xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn và chưa bền vững.
Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC chia sẻ thông tin.
Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, hiện ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đặc biệt là nông sản và thực phẩm chế biến là 1 trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển, hàng năm đóng góp 14 - 15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của Thành phố. Năng lực sản xuất của doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh không chỉ đảm bảo đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố và thị trường trong nước mà đã xuất khẩu đến thị trường nhiều nước trên thế giới.
“Năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 của Thành phố tăng 5,81% so với năm 2022. Tuy nhiên, ngành chế biến lương thực, thực phẩm của Thành phố vẫn gặp rất khó khăn so với các ngành khác. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 của ngành chế biến lương thực, thực phẩm của Thành phố giảm 6,4% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm nông - lâm - thủy sản năm 2023 của Thành phố đạt khoảng 4,6 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ”, ông Trần Phú Lữ cho biết.
Doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu thực phẩm chế biến của Việt Nam tại triển lãm Viet Nam International Sourcing 2024.
Bước sang những tháng đầu năm 2024, tình hình sản xuất của ngành chế biến lương thực, thực phẩm của Thành phố đã có sự phục hồi, khởi sắc và tăng trưởng trở lại. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2024 của ngành chế biến lương thực, thực phẩm Thành phố đã tăng 0,8%; kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm nông lâm thủy hải sản của TP Hồ Chí Minh 4 tháng đầu năm 2024 đã tăng trưởng rất tốt, đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, mặt hàng gạo đạt gần 600 triệu USD, tăng 74,5%; cà phê đạt 377 triệu USD, tăng 94,3%; hạt tiêu đạt 132 triệu USD, tăng 88%; thủy sản đạt 285,5 triệu USD, tăng 47,5%; rau quả đạt 384,4 triệu USD, tăng 56,3%.
Tuy nhiên, theo ông Trần Phú Lữ, để doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh phát triển bền vững, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lương thực thực phẩm lúc này cần nhất là các chính sách hỗ trợ vốn để đổi mới công nghệ sản xuất, thực hiện chuyển đổi số cũng như chuyển đổi mô hình sản xuất sang sản xuất xanh, tuần hoàn, giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm. Song song đó, cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là những thị trường xuất khẩu mới tiềm năng.
Các doanh nghiệp Việt mong muốn được mở rộng thị trường Mỹ và châu Âu nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn do chưa đáp ứng đủ tiêu chí xuất khẩu.
Về phía TP Hồ Chí Minh, để hỗ trợ doanh nghiệp ngành chế biến lương thực, thực phẩm phát triển bền vững, Thành phố đã xây dựng chiến lược phát triển ngành chế biến lương thực, thực phẩm Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, TP Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống xây dựng thương hiệu; tiếp cận và đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ mà trước hết là khai thác tốt thị trường nội địa với hơn 100 triệu dân, sau đó sẽ tập trung gia tăng kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường truyền thống còn dư địa khai thác; nghiên cứu mở rộng xuất khẩu vào các thị trường mới tiềm năng theo các hiệp định thương mại tự do FTA mà Việt Nam ký kết.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ đề án phát triển hệ thống kho lạnh, kho dự trữ bảo quản cho ngành chế biến lương thực thực phẩm. Ngoài ra, tiếp tục nâng cao hiệu quả liên kết vùng giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành để hình thành vùng nguyên liệu ổn định, bền vững cho chuỗi sản xuất của ngành chế biến lương thực thực phẩm của Thành phố.
Các triển lãm xúc tiến thương mại là cơ hội cho các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác đầu tư và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, ITPC cũng sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp Thành phố mở rộng thị trường như: Xúc tiến thương mại, kết nối giao thương với các hệ thống phân phối đa quốc gia, các đơn vị thương mại điện tử xuyên biên giới; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế chuyên ngành lương thực, thực phẩm được tổ chức trong nước và ngoài nước.
Cụ thể, Triển lãm Quốc tế ngành lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh (HCMC FOODEX) được ITPC tổ chức thường niên vào tháng 5 tại SECC. Riêng năm 2024, HCMC FOODEX đã có hơn 380 doanh nghiệp, đơn vị trong nước và quốc tế tham gia. Ngoài ra, trong năm 2024, ITPC cũng đang và sẽ hỗ trợ doanh nghiệp lương thực, thực phẩm Thành phố tham gia các hội chợ quốc tế lớn như Thaifex (Thái Lan, tháng 5/2024), Sial (Pháp, tháng 10/2024), Seul Cafe Show (Hàn Quốc, tháng 11/2024)…
Bên cạnh đó, ITPC còn tổ chức chương trình “Đối thoại giữa doanh nghiệp với chính quyền Thành phố” nhằm hỗ trợ doanh nghiệp gặp gỡ và bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, qua đó giúp các cơ quan chức năng chủ động nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh và những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời giải quyết, tháo gỡ.
Tin, ảnh: Hải Yên/Báo Tin Tức